Thứ Sáu, Tháng Tư 26, 2024
English EN Korean KO Vietnamese VI

CÓ NHỮNG ĐIỀU “NGỘ NHẬN”

by Trainer Dang Tuan Tien

Trong quá trình đi đào tạo, tuyển dụng và cung ứng nhân sự (đặc biệt là nguồn nhân sự trẻ) cho doanh nghiệp, tôi rút ra được một số điều các bạn ứng viên mới ra trường thường hay ngộ nhận như sau (tôi ngày xưa cũng thế):

🎯 Thứ nhất: Ngộ nhận về sự chuyên nghiệp
Không phải cứ công ty lớn thì sẽ chuyên nghiệp, càng không phải cứ công ty nhỏ thì sẽ cùi bắp. Cái đó còn phụ thuộc vào môi trường, và văn hóa của từng công ty nữa.

Đơn cử như chuyện phỏng vấn:
Có những công ty quy mô lớn, rất lớn, nhưng khi gọi điện cho ứng viên thì một câu xưng chị, hai câu gọi em, không cần biết ứng viên là ai, bao nhiêu tuổi, tự cho mình là công ty lớn nên mình có quyền cao hơn ứng viên một bậc?!

Sau phỏng vấn cũng thế, có những công ty nhỏ, rất nhỏ, ứng viên dù rớt hay đậu cũng phản hồi. Lời lẽ email hết sức dễ thương, chân thành, cảm ơn anh/chị/em ứng viên đã dành thời gian đến tham gia trao đổi công việc cùng công ty. Công ty nhỏ, biết thân biết phận không mang lại được cho ứng viên chế độ tốt như người ta, nên cố gắng chuyên nghiệp trong từng chi tiết nhỏ.

Trong khi có những công ty quy mô là thế, hoành tráng là thế thì lại không hề có văn hóa đó. Công ty lớn mà, hứa là một chuyện, nhưng làm thì chuyện khác, thường là rơi vào im lặng, lời hứa cũng chỉ là chóp lưỡi đầu môi, viện dẫn lý do mình nhiều việc quá nên… dành thời gian phản hồi cho ứng viên mất thời gian lắm.

🎯Thứ hai: Ngộ nhân về bộ mặt của cái văn phòng
Nhiều bạn hiện nay, đi phỏng vấn, thay vì ngó vô cái mô tả công việc, coi mình đáp ứng được bao nhiêu % yêu cầu của doanh nghiệp, rồi thu nhập bao nhiêu, thù lao thế nào, có tương xứng với công sức mình bỏ ra hay không, thì không chịu ngó. Cứ chăm chăm vô cái văn phòng, cái hình thức bên ngoài.

Cứ thấy văn phòng đẹp, cửa kính sáng choang, bàn làm việc phải đầy đủ máy tính, điện thoại, ngó nhân viên mặc đồ lịch sự, nước hoa thơm phức, sơ mi cà vạt thì mới chịu làm. Rồi còn tự huyễn hoặc mình là mấy chỗ này lương trả mới cao, mà đâu có biết, nhiều khi mặt bằng chung lương của nhân viên trung bình chỉ lèo tèo dăm bảy triệu.

Đời mà, nhìn bề ngoài thì dễ, nhìn được vào trong ví tiền của người ta mới khó. Có mấy công ty, nhìn vào cái văn phòng nó không có đẹp lung linh, nó không có cửa kính long lanh trong suốt, mà lương nhân viên đứa nào đứa nấy tháng nào cũng hơn chục chai chục củ.

Bao nhiêu đại gia ngầm, quần cộc áo phông, ngồi cà phê vỉa hè bàn chuyện tiền tỷ là thế. Cái bộ mặt văn phòng cũng thế mà thôi.

🎯 Thứ ba: Ngộ nhận về cái chữ “lương”
Đi làm, ai cũng biết mình phải kiếm tiền, dù phỏng vấn ít ai nói thẳng, ngại, tế nhị này nọ nhưng ai cũng hiểu.

“Không tiền cạp đất mà ăn” – Ngọc Trinh nói thế. Nhiều bạn mới ra trường cũng ngó vô chữ lương mà kiếm chỗ trao thân gởi phận. Mà nào biết “lương” và “thu nhập” vốn là 2 khái niệm hoàn toàn khác nhau.

Thiệt chớ, nếu chỉ dựa vào mức lương ban đầu mà đi kiếm việc khi chưa hiểu rõ hết bản chất công việc và các nguồn thu nhập thì sẽ dẫn đến tình trạng mình bỏ đi cơ hội của mình.

Bởi có nhiều công việc, lương nó chỉ là một phần bề nổi của cái thu nhập thực tế. Giống nguyên lý tảng băng trôi ấy, cái phần chìm nó bự chà bá mà có ai thấy đâu.

Có làm rồi, có dấn sâu vào từng cái vị trí, công việc rồi thì mới biết, có những khoản thu nhập không tên, mà nhiều khi nó còn cao hơn cả cái lương trên giấy tờ sổ sách.

Người ta có cái khái niệm “lương bổng”, “lương lậu”, tức là ngoài lương, còn có bổng, có lậu, mà chỉ những anh/chị đi làm lâu năm trong một ngành nghề nhất định mới hiểu.

🎯 Thứ tư: Ngộ nhận về “lãnh đạo”
Đừng nhìn hình ảnh một người đi trước, khoác lên mình cái mác doanh nhân, là mình cứ nghĩ rằng đó là người thành đạt, thành công, là hình mẫu mà mình phải theo đuổi. Bởi “Lãnh đạo” và “Sếp”, là hai khái niệm khác nhau.

Sếp là cấp trên của bạn, là người bạn phải nghe theo, làm theo chỉ thị, nhưng không có nghĩa là người mà bạn phải học theo.

Những người đúng nghĩa lãnh đạo, họ dạy cho bạn những cái giá trị vô hình quý giá nhiều hơn những cái kiến thức kinh nghiệm trong công việc rất nhiều. Họ là hình mẫu chuẩn mực của một người thầy dạy cho bạn cái tâm, cái cách đối nhân xử thế, và đôi khi, dạy cho bạn cả những bài học về cách làm người chỉ thông qua cách họ sống và làm việc mỗi ngày.

Do đó, đừng vội ca ngợi ai đó là lãnh đạo, nếu chưa biết thật sự họ có tâm hay không.

🎯 Thứ năm: Ngộ nhận về sự “trung thành”
Tiếp về cái ngộ nhận về lãnh đạo, là cái ngộ nhận về sự trung thành. Đừng bao giờ thề thốt sẽ trung thành với bất kỳ một ai, một công ty nào đó. Đừng bao giờ dại dột đánh đổi cái sự nghiệp của mình để làm theo chỉ thị dù biết là sai của cấp trên.

Người ta yêu công việc, nhưng chẳng ai đi yêu công ty.

Bởi nếu một ngày, bạn làm sai pháp luật, thì người vào tù là bạn, người trả giá là chính bạn, người đau khổ là gia đình bạn, chứ không phải là những đứa xúi bạn làm sai. Nên đừng bao giờ vỗ ngực nói rằng bạn sẽ trung thành với công ty hay với sếp. Miễn sao là, lúc bạn làm bất cứ việc gì, hãy dồn hết tâm sức vào cho công việc đó hết trách nhiệm của mình. Và làm đúng pháp luật là được rồi.

Người yêu còn có thể bỏ, công ty còn có thể đổi.
Nên đừng dại dột đánh đổi cuộc đời mình cho một thằng sếp tồi, một nhà lãnh đạo dở hơi xúi bạn làm trái pháp luật, trái với lương tâm và bất chấp để chạy theo lợi nhuận.

Còn nhiều cái “ngộ nhận” lắm, mà hết mưa rồi, thôi bữa nào mưa, viết tiếp…

Có thể bạn quan tâm

Rời Khỏi Bình Luận