Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024
English EN Korean KO Vietnamese VI

NGUYÊN TẮC 4C + 1C = 5C TRONG GIAO TIẾP GÂY THIỆN CẢM (Phần 2)

by Trainer Dang Tuan Tien

🎯 Chữ C thứ hai: Chào
Tất nhiên rồi, cười xong thì ta phải chào, chứ không lẽ cười hoài thì có đứa sẽ bảo mình khùng mất. Và trong quá trình ta cười, thì tinh thần cũng đã kịp bình tĩnh lại, trí não cũng sáng suốt hơn để cho dù có dốt văn đến mấy, thì miệng ta cũng rặn ra được chữ “Chào.”

🤔 Tại sao tôi lại không để là Chào rồi mới Cười, mà phải là Cười rồi mới Chào?

🤗 Đơn giản vì, sau khi đối phương nhận được nụ cười từ ta, thì cảm giác dễ chịu khi nụ cười kết thúc vẫn còn lưu lại. Điều đó kéo theo việc họ sẽ dễ dàng tiếp nhận thông tin tiếp theo sau nụ cười của ta hơn, ở đây là lời Chào.

Bên cạnh đó, nếu khéo léo hơn, thì hãy thêm kính ngữ sau lời Chào đối với những người hơn mình về tuổi tác. Điều này sẽ làm họ hài lòng hơn khi thấy thằng này, con này nom vậy mà cũng đáng yêu, biết điều, dễ thương nữa. 😅

📌 Ví dụ: “Em chào anh ạ!” 🤣 hoặc “Dạ, con chào chú ạ!” 🤣
=> ngoan thế thì ai nỡ lòng nào làm khó dễ với mình, nhỉ.

🎯 Chữ C thứ ba: Chúc (Bao gồm cả chúc mừng và khen tặng)
Ai cũng thích được chúc mừng và khen tặng. Lời chúc thường mang những thông điệp tốt đẹp và niềm vui đến cho người được chúc.

Nếu chúng ta chưa có nhiều vốn từ, câu chữ phong phú, thì chỉ cần đơn giản chúc đối phương một ngày tốt lành, một ngày nhiều niềm vui là được. Nhớ thêm chữ “nhé” vào cho nó gần gũi hơn.

📌 Ví dụ: “Chúc chị một ngày nhiều niềm vui… nhé!” 🤣
Cười phát nữa, thân thiện thế chứ lị.

🤗 Bên cạnh đó, chúc và khen thường đi kèm với nhau. Ai cũng thích được khen cả, miễn sao lời khen đó là đúng với thực tế. Đừng gặp một đứa dáng tròn quay mà lại khen “Em dạo này nhìn thon thả như con hà mã” là xác định banh xác.
Hãy khen như thế này:

📌 Ví dụ:
Nếu gặp một cô gái, hãy khen những gì mà ta cho là đẹp nhưng trong phạm vi cho phép, như khen áo đẹp, tóc đẹp, mắt đẹp, v.v… tuyệt đối đừng khen những chỗ khác đẹp. Tin tôi đi, có khen thì hãy khen thông minh, khen mà linh tinh là bầm mình bầm mẩy.

Và một điều nữa, đó là lời khen còn là công cụ giúp chúng ta góp ý tế nhị đối phương về một điều gì đó. Chắc hẳn ít nhiều chúng ta từng nghe về nguyên tắc “Bánh sandwich” trong góp ý người khác, tức là “Khen – Chê rồi lại đến Khen”.

📌 Ví dụ:
Cũng cô gái đó, bữa nay mặc cái áo xấu nhìn phát hờn, nhưng hãy ráng kiềm chế mà khen rằng: “Cái áo hôm nay chị/em mặc cũng được đó, nhưng sao không đẹp bằng cái áo hôm qua vậy? Cái áo hôm qua chị/em mặc nhìn đẹp và tôn dáng lắm nghen.” Thì thể nào đối phương cũng khoái tít mắt mà đáp lại là cái áo hôm qua giặt rồi, hết đồ nên mặc tạm, bla bla các kiểu.

🎯 Chữ C thứ tư: Cảm ơn

Hãy luôn thể hiện sự cảm kích với người khác khi họ giúp mình một việc gì đó. Và lưu ý là, cảm ơn là giai đoạn mà ngôn ngữ cơ thể và biểu cảm gương mặt đóng vai trò quan trọng rất nhiều. Chẳng ai cảm ơn mà mặt thì đơ ra ca bài “không cảm xúc” của Hồ Quang Hiếu cả.

Cười tươi, nhiệt tình và nói: “Trời ơi, mình cảm ơn bạn lắm lắm luôn nha. Không có bạn giúp mình cũng không biết sao nữa. 😘” kèm ánh mắt long lanh tha thiết vào.

Đấy, đại loại thế, là người ta sẽ vui, và vui thì sau này bạn không nhờ đi chăng nữa thì họ vẫn nhiệt tình bay vào, xắn tay áo lên giúp bạn hết mình.

🎯 Còn chữ C cuối cùng, cũng là chữ C quan trọng nhất, thì tôi sẽ hẹn lại ở 1 bài viết khác nhé. 🤗

Có thể bạn quan tâm

Rời Khỏi Bình Luận