Thứ Sáu, Tháng Tư 26, 2024
English EN Korean KO Vietnamese VI

TÔ HỦ TIẾU, ĐI CẮT TÓC VÀ VẤN ĐỀ CẠNH TRANH DOANH NGHIỆP (Phần 2)

by Trainer Dang Tuan Tien

Vẫn là ở khu Bàu Cát, tôi cũng nhận thấy có rất nhiều tiệm cắt tóc nam. Các tiệm này đều giống nhau, thường có 1 thợ nam cắt tóc chính và 2-3 cô thợ phụ gội đầu cho khách. Các cô thợ phụ này thường được phân công phục vụ khách hàng xoay tua một cách trật tự, trừ khi là khách quen của mỗi người hay khách có yêu cầu nhân viên mà họ hài lòng.

Tôi cũng thuộc dạng khách hàng cổ hủ, loại khách hàng khi đi quen tiệm nào rồi thì sẽ không bao giờ đi các tiệm khác, trừ khi cái tiệm quen của mình nó đóng cửa mà mình thì đang vội.

Điều tôi nhận thấy ở đây, đó là các cô thợ phụ thường có khả năng giao tiếp rất khéo léo, duyên dáng và khả năng chinh phục sự hài lòng của khách hàng nam giới như tôi gần như tuyệt đối. Thông thường, khi gội đầu cho khách, họ sẽ bắt chuyện và tâm sự với khách về cuộc sống và công việc của khách nhằm làm vơi đi cái không khí im lặng buồn chán khi khách nằm im đợi họ gội đầu xong. Và ban đầu, tôi chỉ nghĩ rằng, họ gợi chuyện để cho “có cái để nói” mà thôi, khi làm xong thì họ sẽ quên ngay vì một ngày có rất nhiều khách hàng ra vào tiệm.

Tuy nhiên, có 1 cô thợ phụ gội đầu cho tôi đã khiến tôi thay đổi hoàn toàn suy nghĩ ấy. Đó là, khi trò chuyện với cô ấy, tôi có nói rằng tôi đang sắp sửa thi cao học vào tháng tới. Bẵng đi gần 2 tháng sau, khi tôi quay lại tiệm này, cô ấy vẫn nhớ tôi và hỏi tôi rằng: “Anh thi cao học thế nào rồi? Kết quả tốt không anh?”. Điều đó không chỉ làm tôi ngạc nhiên, ấn tượng mà còn cực kỳ thấy thích thú vì khả năng ghi nhớ của cô ấy làm tôi hài lòng.

Và tôi bắt đầu để ý. Tôi nhận ra rằng không chỉ riêng tôi, cô ấy nhớ được gần hết từng hoàn cảnh và câu chuyện của mỗi vị khách mà cô ấy phục vụ khi gội đầu. Từ đó, cô ấy tạo được 1 lượng khách hàng trung thành khá lớn cho riêng mình. Họ xin số điện thoại của cô, và gọi cho cô trước mỗi lần ghé tiệm để chắc chắn rằng cô đang rảnh. Đến nỗi, khi cô chuyển đi làm ở bất kỳ tiệm tóc nào, đồng nghĩa với việc kéo theo 1 lượng lớn khách hàng từ tiệm cũ qua tiệm mới.

Bài học thứ hai: CHĂM SÓC CHU ĐÁO TỪNG KHÁCH HÀNG CỦA RIÊNG MÌNH.

Trường hợp của cô thợ phụ trên cũng tương tự như những nhân viên kinh doanh hay chăm sóc khách hàng trong những công ty thương mại và dịch vụ. Khi một nhân viên rời khỏi công ty và chuyển qua 1 công ty khác, điều đó đồng nghĩa, công ty cũ vừa mất đi một thị trường khá lớn từ những khách hàng trung thành của nhân viên cũ của mình.

Nói cách khác, ở đây, khách hàng không chỉ mua “SỰ HÀI LÒNG” như trong câu chuyện đầu tiên, mà cao hơn, họ còn mua cả “SỰ TÔN TRỌNG” và “SỰ TRÂN TRỌNG” khi họ nhận thấy rằng mình được chú ý và đối xử đặc biệt so với những người khác.

TỔNG KẾT:

Tóm lại, chỉ từ những thay đổi gần như nhỏ nhặt trong từng khâu, sẽ tạo ra sự khác biệt lớn trên tổng thể. Tất cả những chi tiết nhỏ hoàn hảo sẽ tạo nên sự chuyên nghiệp hoàn hảo trong con mắt của khách hàng.

Trong điều kiện thị trường ngày càng cạnh tranh gay gắt, hàng hóa sản phẩm với mẫu mã, chất lượng, dịch vụ na ná như nhau, thì điều kiện tiên quyết để tạo nên sự đặc biệt và thế mạnh cạnh tranh cho doanh nghiệp của bạn, đó chính là khâu chăm sóc khách hàng.

Do đó, trước khi bàn về những phương án nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của mình, chúng ta hãy nhìn lại xem đã chăm sóc khách hàng của mình tốt hay chưa.

Có thể bạn quan tâm

Rời Khỏi Bình Luận