Thứ Bảy, Tháng Tư 27, 2024
English EN Korean KO Vietnamese VI

BẰNG CẤP VÀ THỰC HỌC

by Trainer Dang Tuan Tien

Năm 2013, có dạo tôi nhận lời chia sẻ kỹ năng mềm và cấp giấy chứng nhận cho khoảng 40 bạn sinh viên của 1 trường ĐH.

Sau 1 tuần, bạn sinh viên của trường đến gặp tôi và đưa tôi 1 xấp giấy dày gấp đôi số sinh viên mà tôi từng chia sẻ. Tôi ngạc nhiên và hỏi:
– Sao nhiều quá vậy em, anh nhớ hôm đó chỉ tầm 40 bạn thôi mà???

Thì được bạn ấy trả lời rằng dạ anh thông cảm, tụi em cấp giùm luôn cho các bạn bữa đó vắng mặt ạ. Lúc đó tôi đồng ý vì nghĩ rằng dù sao cũng chỉ là 1 cái chữ ký và 1 con dấu nên tôi cũng chẳng muốn làm khó các bạn làm gì. Tuy nhiên, sau này, tôi lại vô cùng hối hận.

Hối hận vì tôi đã biến mình thành kẻ nói dối, vì vô tình làm mất đi uy tín cá nhân và cả công ty của mình. Bởi một ngày nào đó, khi nhà tuyển dụng của các bạn nhận ra tờ giấy chứng nhận nhiều màu mà các bạn kẹp vào hồ sơ xin việc chỉ là một tờ giấy lộn không hơn không kém, bởi kiến thức và kỹ năng của các bạn chỉ là một con số 0 tròn trĩnh thì họ sẽ nghĩ thế nào?

Thậm chí, có bạn còn nhờ tôi ký tên và đóng dấu vào bản báo cáo thực tập của mình mặc cho bạn chưa từng thực tập tại công ty tôi dù chỉ 1 ngày. Và khi tôi đọc phần đánh giá của đơn vị thực tập thì tôi còn choáng váng hơn bởi khả năng viết văn của các bạn còn siêu hơn cả nhà văn chuyên nghiệp. Tự khen, tự nhận xét, tự đánh giá mình hay đến mức như các bạn đã thực tập thật sự. Và công việc cuối cùng của tôi chỉ là ký tên và đóng dấu.

Hỏi thật chứ khi các bạn cầm mớ giấy chứng nhận đó, tờ đánh giá đó, các bạn có tự hào?

Tôi từng khảo sát 100 bạn sinh viên trong 1 lần hội thảo, rằng bao nhiêu bạn tham gia vì kiến thức, và bao nhiêu bạn tham gia vì bị ép buộc, vì bị tính điểm chuyên cần, điểm thi đua, hoạt động này nọ, thì đại đa số đều thú thật là em bị ép và chỉ vì muốn lấy cái tờ chứng nhận. Thậm chí, sự chênh lệch giữa bằng cấp và thực học còn rõ ràng tới mức, có bạn gặp tôi trong 1 buổi phỏng vấn, tôi hỏi 2 chữ “Why us?” thì bạn ngơ ngác rùi thỏ thẻ hỏi anh cho em nói tiếng… Việt được không, mặc dù trong hồ sơ bạn kẹp hẳn vào cái bằng Toeic 550 hoành tráng (?!)

Rõ ràng khi lên ĐH, ai cũng nhận thấy rằng thời gian dành cho việc học và lên lớp ít hơn rất nhiều so với thời cấp ba, vì sao? Vì khoảng thời gian dư ra là để bạn làm thêm, để bạn trải nghiệm và tăng cường vốn sống. Để ít ra, khi đi làm, bạn không phải loay hoay trước cái máy photocopy, không phải gãi đầu gãi tai rằng em không biết điền gì vào mục kinh nghiệm trên CV tại… hồi đó ham học quá nên em không có đi làm gì hết (?!)

Đừng để đến một ngày, các bạn phải trách móc vì sao các nhà tuyển dụng lại luôn đòi hỏi ứng viên phải có kinh nghiệm (dù biết kinh nghiệm là 1 thứ gì đó… “xa xỉ” với sinh viên), rồi lại ngồi than thở vì sao kiếm việc khó quá, học 1 đằng ra làm 1 nẻo. Khoan hãy trách người khác, mà hãy tự hỏi mình rằng nếu là bạn, bạn có muốn tuyển một bạn sinh viên vừa ra trường thiếu vốn sống và kỹ năng trầm trọng hay không?

Có thể bạn quan tâm

Rời Khỏi Bình Luận