Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024
English EN Korean KO Vietnamese VI

NHỮNG SAI LẦM KHI TUYỂN TRAINER

by Trainer Dang Tuan Tien

📌 Sai lầm thứ nhất: Tuyển theo phong trào, miễn sao có tuyển.
Cái này tôi thấy hơi bị nhiều, thiệt luôn. Nhiều chủ doanh nghiệp thấy công ty người ta có bộ phận đào tạo, cũng đú đởn kêu HR tuyển ngay cho mình một ông trainer về để ổng “đào tạo” cho nhân viên của mình bằng anh bằng chị. Trong khi quy mô của doanh nghiệp tại thời điểm đó, nói thật ra là chưa cần thiết. Hoặc nếu có, cũng chỉ cần cử một vài CBNV đi đào tạo bên ngoài là đủ.

Ngày tuyển về, sếp mời ông trainer vô phòng, tâm sự mỏng (thật ra là kể khổ), đại loại như sau:
– Em ạ, tình hình là rất tình hình. Công ty anh trước giờ chưa có văn hóa đào tạo chuyên nghiệp. Cũng thay mấy đời giảng viên rồi, nhưng đâu lại vào đấy. Em về hỗ trợ anh nhé, anh rất tin tưởng ở em. – Nói xong không quên lấy khăn chầm chậm nước mắt, rơm rớm long lanh.

📌 Sai lầm thứ hai: Coi Trainer là “siêu nhân” hoặc “cây đũa thần”:
Nhiều ông chủ đi học đâu đó được cái khái niệm “văn hóa doanh nghiệp”, cũng về mở miệng hô hào bảo công ty chúng ta phải có “văn hóa doanh nghiệp”, “giao tiếp chuyên nghiệp”, “thái độ ân cần, tác phong chu đáo”, v.v… các kiểu. Mà thực tế, nhiều doanh nghiệp có “méo” đâu.

Một ngày đẹp trời đi ngang qua bàn lễ tân, thấy 2 con bé nhân viên nó gọi nhau: “Ê mày, lát mua hộ tao ly trà sữa.”, đi ngang phòng kinh doanh, lại nghe mấy thằng nhân viên tư vấn í ới: “Tối nay nhậu, ông nhá.”, đi ngang vài phòng ban nữa, cũng nghe toàn mày tao hoặc ông bà.

Sếp lắc đầu bảo:
– Chết thật, tụi này phải cho đào tạo lại mới được, để khách hàng nghe thấy lại không hay.

Nghĩ là làm, sếp ngoắc ông trainer lên họp gấp, và bảo:
– Anh cần em phải đào tạo kỹ năng giao tiếp cho nhân viên, chứ tình hình thế này, là không được.

Ông trainer lật đật soạn giáo trình giáo án, lên lịch huấn luyện, chia sẻ về cách giao tiếp cơ bản thế nào, cách xưng hô chuyên nghiệp ra sao, nào là phải gọi nhau là anh/chị, xưng tôi, xưng tên, xưng em thế nào cho phải phép.

Nhân viên nào đi học cũng hào hứng, gật gù, vui vẻ vì vừa được trốn việc, giảm giờ làm, vừa được relax trong không khí thoải mái, không phải căng thẳng với công việc, với số liệu kinh doanh.

Nhưng tới hồi vừa bước chân ra khỏi phòng, thằng trưởng nhóm marketing ngoắc đứa nhân viên lại:
– Ê mày, nhớ cái hẹn chiều tan ca hú mấy thằng kia đi nhậu nhé. Tao dặn rồi đấy, đứa nào không đi tao chém.

Bao nhiêu mỹ từ giao tiếp trong 2 tiếng đồng hồ đào tạo trước đó trôi tuột. Ông trainer cũng chả dám ý kiến, vì cũng chỉ phận làm thầy, gọi cái từ mỹ miều là “giảng viên nội bộ”, có chăng là chia sẻ, nhắc nhở khéo léo chứ đâu có quyền chế tài hay phạt được.

Ấy là chưa kể, ai cũng biết “Kỹ năng” được hình thành từ “Thói quen”. Mà muốn có “Thói quen”, thì phải dành thời gian cho nhân viên người ta tập luyện, thích nghi dần dần.

Khổ cái là, chi phí trả cho ông trainer cũng cao ngất ngưỡng (trung bình tầm 15tr trở lên với một trainer hơn 3 năm kinh nghiệm, còn trainer mà trẻ quá, non kinh nghiệm quá, thì nói mấy ai nghe).

Mãi vẫn chả thấy nhân viên có sự thay đổi rõ rệt, tiền lương thì vẫn cứ trả, sếp trên sốt ruột: “Sao tụi nhân viên mình học hành đã đời mà đâu vẫn hoàn đấy, vẫn mày mày tao tao, vẫn thằng này con nọ thế này?”. Thế là cho trainer nghỉ việc, lại tuyển ông khác.

Ông trainer bị mang tiếng oan là thằng “bất lực”, dù đã giải thích muốn khản cổ với sếp rằng muốn nhân viên thay đổi thì cũng cần thời gian, và bên cạnh đào tạo một phần, thì phải có quy định về văn hóa giao tiếp bằng văn bản rõ ràng. Mà cái việc ra quy định đó, ông trainer lại không có quyền ra được.

Không riêng gì văn hóa giao tiếp, có lần, tôi kiểm tra kiến thức hội nhập cho các anh/chị quản lý cấp trung, mà bản thân họ còn chưa nắm hết thông tin về công ty, về lịch sử hình thành, định hướng phát triển, chế độ phúc lợi, v.v… nhưng vẫn suốt ngày ra rả với nhân viên rằng tụi em phải nắm vững kiến thức hội nhập vì đó là quyền lợi của mình. Tới hồi nhân viên thắc mắc thì bảo anh/chị bận rồi, em hỏi nhân sự để biết thêm chi tiết, thế là xong.

Tôi từng chứng kiến có doanh nghiệp thay tới 4 – 5 đời trainer nhưng mảng đào tạo vẫn chẳng thể khá hơn là mấy. Vì ngay cả những người trưởng bộ phận, trưởng nhóm, trưởng phòng có làm gương, làm mẫu được đâu.

Rồi một ngày đẹp trời, ông trainer đành hát bài “Và như thế em đi”.

Có thể bạn quan tâm

Rời Khỏi Bình Luận