Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024
English EN Korean KO Vietnamese VI

NGƯỜI THỢ RÈN KIẾM VÀ THÙ LAO CỦA CHUYÊN GIA

by Trainer Dang Tuan Tien

Có một lần, tôi tham gia làm phỏng vấn viên cho các bạn sinh viên khoa Quản trị kinh doanh của 1 trường ĐH. Lúc nhận hồ sơ, tôi hỏi ra trường các bạn muốn làm gì và thấy khá ngạc nhiên khi đa phần các bạn chọn ngành “Quản lý nhân sự”. Thậm chí, có bạn ghi thẳng trong CV gửi phòng nhân sự là em muốn ứng tuyển vào vị trí “Trưởng phòng nhân sự” (quá dữ).

Tôi hỏi bạn biết quản lý nhân sự là làm gì không, thì nhận được câu trả lời rất hồn nhiên và dễ thương: “Quản lý nhân sự là mình tuyển người rồi phân công công việc cho người khác làm.” – không quên kèm theo ánh mắt long lanh chớp chớp nhìn tôi ngây thơ vô “số” tội.

Tôi hỏi tiếp vậy trước khi đi phỏng vấn và nộp đơn vào vị trí này, bạn đã đọc qua về lĩnh vực quản lý nhân sự chưa, có biết nó yêu cầu những gì, tố chất gì, điều kiện gì, hay lương bổng ra sao không thì các bạn lắc đầu ngơ ngác. Bạn ngơ ngác 1, tôi ngơ ngác 10.

Thậm chí, khi hỏi tiếp là bạn có bất cứ kinh nghiệm nào về quản lý nhân sự chưa? (hỏi chơi thôi vì tôi biết chắc chắn rằng các bạn đều là sinh viên, thì tất nhiên đa số chưa bạn nào có cơ hội trải nghiệm về mảng đó), thì có bạn hỏi ngược lại “Em có kinh nghiệm làm cộng tác viên kinh doanh được không anh?”.

Thế giờ tôi hỏi bạn, tôi cần tìm người biết nấu món phở cho nhà hàng mình mà bạn lại đáp là bạn chỉ có kinh nghiệm nấu… cháo thôi thì cái tiệm phở của tôi sẽ đi về đâu?

Hay thậm chí đổi vai trò cho nhau, nếu bạn là chủ doanh nghiệp giống tôi thì bạn có dám can đảm giao số phận cái phòng nhân sự công ty mình cho 1 bạn sinh viên mới ra trường chân ướt chân ráo chưa có tí xíu kinh nghiệm nào làm trưởng phòng không?

Lúc này thì mới thấy các bạn chớp chớp mắt trả lời là dạ tất nhiên là không rồi anh, em đâu có ngu. Ờ, vậy sao còn hỏi tôi câu đó, tôi cũng đâu có ngu??? Dễ thương ghê.

Lúc đó tôi mới đáp, bạn lên mạng, vô Gú Gồ, tra thử sẽ thấy, đa phần người ta tuyển về lĩnh vực nhân sự tầm tuổi gần 30 trở lên, kinh nghiệm ít nhất 3-5 năm là tối thiểu. Vì khi đó, bạn đã chín về tuổi đời, về trải nghiệm và quan hệ. Còn mới ra trường, bạn 22 tuổi, bạn có cái gì để đòi “quản” với “trị” người ta khi bản thân bạn còn chưa quản được, huống chi ở đây bạn còn đòi làm trưởng phòng???

Rồi có một bạn nói em sau này cũng sẽ thành 1 doanh nhân. Ờ, vậy em kinh doanh gì, làm về lĩnh vực gì, thì đáp em chưa nghĩ đến, anh hỏi khó quá, chọn câu dễ hơn được không anh? Oke luôn, vậy em định nghĩa doanh nhân là gì được không? Điều mà em muốn trở thành trong tương lai ấy? Thì cũng tắc tị luôn, nghĩ một hồi rồi đáp em thấy doanh nhân là mấy anh/chị mặc vest, đi xe hơi nhìn oai lắm anh ạ.

Tôi còn nhớ, hồi sinh viên trẻ trâu, cũng bon chen làm đủ thứ nghề, từ gia sư, phát tờ rơi, dạy đàn organ, nhân viên kinh doanh trà, cà phê, tiếp thị, tư vấn mỹ phẩm, nhân viên PR – marketing v.v… đến hồi ra trường, cũng tự tin có 1 cái gọi là kinh nghiệm “tổng hợp” – tức mỗi thứ 1 ít, giống cái nồi lẩu. Tự cho là vốn sống cũng phong phú để mà điền vào CV của mình và lấy làm tự hào.

Đến hồi, gặp bà dì làm giám đốc điều hành của một chi nhánh Anh ngữ, bả nhìn vào CV của tôi rồi phán 1 câu xanh rờn: “CV của con nhìn không khác gì đống rác, chẳng đâu vào đâu. Con xem, con xin dì làm mảng nhân sự (vâng, lại là nhân sự, sao mà cái ngành này nó hút mấy đứa sinh viên vừa ra trường như tôi và các bạn dữ quá, chắc nghe nó oai) mà ngó vào cái CV của con, dì chả thấy tí xíu kinh nghiệm nào liên quan tới nhân sự, toàn kinh doanh, phát tờ rơi với dạy kèm, sao dì dám tuyển?”

Lúc đó, tôi cảm thấy chạm tự ái kinh khủng. Người nhà với nhau mà nỡ lòng nào nói thằng cháu vừa “đáng yêu” lại vừa “tội nghiệp” của dì như vậy. Nhưng sau này nghĩ lại, thấy dì nói đúng. Và tôi hiểu rằng, muốn trở thành chuyên gia về 1 lĩnh vực nào đó, thì mình phải tìm hiểu chuyên sâu về nó, cần có sự đầu tư, tìm hiểu nghiêm túc và cả sự đánh đổi.

Như nghề diễn giả của tôi cũng vậy, diễn giả cũng có 5-7 loại diễn giả. Có người thì chuyên về kỹ năng giao tiếp nơi công sở, có người lại về tư duy, có người về tạo động lực, v.v… Càng chuyên sâu thì sự trải nghiệm của họ càng nhiều. Còn ông nào mà vỗ ngực tự xưng ta đây train được nhiều kỹ năng, nhiều chủ đề thì ông đó phải xem lại, xem những kiến thức anh dạy người ta là lý thuyết hay thực tiễn, có đáng tin cậy hay không, v.v…

Nên cuối cùng, tôi cũng chỉ đầu tư chất xám của mình cho lĩnh vực viết CV – Phỏng vấn – Tuyển dụng nhân sự và thương hiệu cá nhân. Và tự tin rằng đó là cái mà mình trải nghiệm và hiểu rõ. Bởi cái thằng như tôi từng vác CV cũng trên dưới cả chục công ty từ thời đi học, thậm chí cả mặt dày liều mạng vác hồ sơ vào các showroom bán xe bên quận 7 chỉ vì khoái Audi, BMW mà không có tí teo khái niệm gì về xe cộ.

Tóm lại, bạn làm gì trong tương lai không quan trọng, nhân sự cũng được, kinh doanh cũng được. Điều quan trọng là bạn phải tâm huyết với nó, đầu tư nghiêm túc, đào sâu và tìm hiểu kỹ ngay từ bây giờ. Đừng có thấy ngành này hay, ngành kia hay chỉ vì cái danh hão, cái tên nghe oai rồi cuối cùng mất luôn cả định hướng bản thân.

Bài viết này không phải tôi chê trách các bạn, vì nhiều bạn sinh viên giờ giỏi lắm, giỏi hơn tôi và các anh chị đi trước rất rất nhiều. Tôi chỉ mong các bạn xem đó là 1 lời khuyên của 1 thằng đàn anh đi trước. Ít ra thằng đó nó cũng lăn lê bò lết bao nhiêu năm mới tích cóp được chừng đó “công lực” mà truyền cho các bạn để làm kinh nghiệm, để sau này ra trường, tự tin điền vào CV những trải nghiệm đúng với ngành nghề, lĩnh vực mà bạn đam mê đang theo đuổi.

“Một người thợ rèn bình thường có thể rèn kiếm cho bất cứ ai.
Một người thợ rèn bậc thầy chỉ rèn kiếm cho vua và cao thủ.”

Đó là lý do, thù lao trả cho một chuyên gia về một lĩnh vực nhất định luôn cao hơn rất, rất nhiều lần thù lao trả cho một bạn nhân viên “biết tuốt” nhưng mỗi thứ biết một ít vì “cưỡi ngựa xem hoa”. Bạn muốn nhận thù lao với mức của chuyên gia, thì bạn phải đầu tư thời gian và công sức một cách nghiêm túc và nhất định.

Có thể bạn quan tâm

Rời Khỏi Bình Luận