Thứ Năm, Tháng Tư 25, 2024
English EN Korean KO Vietnamese VI

NGÀY NÀO CÒN TRẢ GIÁ CHO KIẾN THỨC, NGÀY ĐÓ BẠN CÒN NGHÈO

by Trainer Dang Tuan Tien

Một lần, cà phê với ông anh là 1 diễn giả nổi tiếng, anh ấy kể câu chuyện thế này:

Một doanh nghiệp cử 2 bạn nhân viên đến gặp anh mời về chia sẻ. Sau khi nghe anh báo mức phí, 2 bạn nhân viên đó nói rằng giá anh đưa ra quá mắc và đề nghị giảm giá. Anh lắc đầu trả lời: “Kiến thức chứ có phải bó rau con cá ngoài chợ đâu mà tụi em trả giá mắc với rẻ.” và từ chối giảm giá.

Sau anh nói với tôi, ngày hôm đó, lẽ ra ban đầu anh đã có thiện chí giảm giá cho doanh nghiệp đó rồi. Nhưng 2 bạn nhân viên đó thay vì nói rằng “Anh ơi, phí anh đề nghị hơi “cao”, có thể xem xét giúp tụi em không?” thì lại nói rằng “Giá anh đưa ra “mắc” quá” khiến anh cảm thấy kiến thức của mình không được trân trọng, và thế là anh chốt luôn với cái phí ban đầu.

Câu chuyện tôi kể bên trên cũng chỉ là 1 trong vô số những trường hợp minh chứng cho 1 thói quen xấu của các bạn trẻ hiện nay, đó là trả giá cho kiến thức. Và dù muốn dù không thì thói quen đó thể hiện ra ngay trong những sinh hoạt hằng ngày của các bạn.

Kể nghe chơi, khi tôi hỏi 100 bạn sinh viên trong 1 lần diễn thuyết, đó là khi muốn mua 1 cuốn sách, các bạn sẽ nhìn vào đâu trước tiên? Tiêu đề, mục lục hay giá tiền? Thì 90% các bạn có mặt trong hội trường ngày hôm đó đều trả lời là giá tiền cuốn sách, và chỉ cần thấy 1 cuốn sách có giá hơn 100 ngàn thôi, là các bạn sẽ do dự ngay, thậm chí đặt xuống kệ ngay ngắn như chưa từng đụng đến.

Trong hơn 4 năm qua, tôi hợp tác với khá nhiều đơn vị giáo dục để tổ chức các chương trình hội thảo cho sinh viên, từ những trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp cho đến những đơn vị Đoàn, Hội, v.v… Có một thực tế đáng buồn là, các chương trình miễn phí thì các bạn sinh viên đăng ký rất đông, còn các chương trình nào có thu phí thì số lượng học viên giảm rõ rệt. Thậm chí có những chương trình đến giờ chót vẫn không thu hút được đủ số học viên dù trước đó cũng chủ đề đó, nội dung đó mà đem ra chia sẻ miễn phí thì lại đông như kiến, phải tổ chức thêm nhiều buổi nữa mới đáp ứng đủ cho lượng người đăng ký.

Hỏi ra thì các bạn đáp 1 lý do muôn thưở rằng tụi em sinh viên mà anh, tụi em làm gì có tiền mà đi học mấy cái khoá học có phí, nên chỉ đợi khoá nào miễn phí thì mới đi. Tôi bảo: “Đó là lý do mà các bạn vẫn mãi nghèo, vì các bạn đang trả giá cho kiến thức. Trong khi đầu tư cho giáo dục là khoản đầu tư không bao giờ lỗ.”

Một con sư tử dù bề ngoài dũng mãnh đến đâu chăng nữa mà có tư duy chuột thì cũng mãi chỉ là con chuột to xác.
Chính vì mang trong đầu cái tư tưởng mình là sinh viên, mình không có nhiều tiền nên… mình không đi học được những khoá học có thu phí, lâu dần, nó khiến các bạn tự áp đặt vào đầu mình rằng mình nghèo thật. Từ đó, tất cả những việc bạn làm, tất cả những mục tiêu, ước mơ, khả năng của bạn vô tình bị giới hạn trong khả năng của 1 người sinh viên, và do đó, chẳng bao giờ bạn có thể trở thành doanh nhân được với tư duy đó.

Steve Jobs – cố tổng giám đốc điều hành của hãng Apple, đã có 1 bài diễn văn bất hủ trong lễ tổng kết của ĐH Stanford năm 2005 với câu nói nổi tiếng: “Hãy cứ khát khao – Hãy cứ dại khờ”. Khi bạn đi trên 1 sa mạc khô cằn nhiều ngày, kiệt sức vì mất nước, thì khi đó dù chỉ là 1 ly nước nhỏ xíu, bạn cũng sẽ sẵn sàng đánh đổi cả 1 núi vàng chỉ để có được ly nước ấy. Kiến thức cũng thế, chỉ khi nào bạn thật sự khao khát nó, thì đó mới là lúc, bạn không còn trả giá cho nó nữa.
Bản thân tôi hiện nay đang có 1 khoản vay ngân hàng gần 100 triệu và tôi đang phải trả dần qua mỗi tháng. Nhưng tôi tự hào vì khoản nợ đó, vì tôi dùng nó để trang trải cho việc học cao học của mình. Đó là sự thật.

Tóm lại, qua bài viết này, các bạn hãy tự hỏi mình xem, mình còn giữ cái thói quen trả giá cho kiến thức hay không? Và nếu vẫn còn tư tưởng đó, thì hãy chấp nhận rằng: “À, ra vì thế nên… mình vẫn nghèo.”

Có thể bạn quan tâm

Rời Khỏi Bình Luận