Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024
English EN Korean KO Vietnamese VI

LÃNH ĐẠO – BẠN ĐÃ “GƯƠNG MẪU” CHƯA?

by Trainer Dang Tuan Tien

Có 1 câu chuyện vui thế này:

Một thanh tra văn hoá lần đầu đi thị sát một xã vùng sâu. Khi đến nơi lại không biết đường đến nhà văn hoá, thấy có thằng bé đang nô đùa ngoài ngõ, bèn hỏi: “Cháu có biết nhà văn hóa ở đâu không?”. Thằng bé ngước nhìn rồi đáp gọn lỏn: “Éo biết!”.

Vào một con hẻm, gặp một ông cụ đi ngược chiều, anh thanh tra lại hỏi tiếp, ông cụ lắc đầu trả lời: “Éo chỉ!”

Đi sâu vào ngõ văn hóa, gặp một thanh niên, thanh tra lại hỏi: “Anh ơi, anh có biết nhà văn hóa ở chỗ nào không anh?”. Gã trẻ tuổi trả lời cộc lốc: “Éo nói!”

Khi gặp anh cán bộ phụ trách văn hóa xã, thanh tra đem chuyện này kể cho anh ta nghe và trách móc: “Chú không tuyên truyền văn hoá ứng xử cho bà con hay sao mà để họ ăn nói thô bỉ thế?!”

Anh cán bộ gãi đầu gãi tai phân trần: “Anh thông cảm, để em về dạy lại, chết thật, nói mãi mà chúng nó éo nghe!”

~~> trên đây chỉ là 1 câu chuyện vui được chia sẻ trên mạng mà tôi từng đọc, song ngẫm lại, cũng liên quan ít nhiều đến sự “GƯƠNG MẪU” trong vai trò lãnh đạo.

Thế nào là GƯƠNG MẪU?

Nói nôm na thì đó là vừa LÀM GƯƠNG và vừa LÀM MẪU.

Anh là lãnh đạo, anh không thể nào bắt nhân viên phải đi sớm về muộn, hết mình vì công việc trong khi anh đi trễ, và đúng giờ là anh cất cặp ra về. Đó là THIẾU Ý THỨC LÀM GƯƠNG.

Và vì anh là lãnh đạo, anh lại càng không thể bắt nhân viên phải cống hiến nhiều hơn, hy sinh nhiều hơn, hoàn thành vượt chỉ tiêu, vượt doanh số công ty đưa ra trong khi bản thân anh không có bất cứ động thái nào xông vào hỗ trợ ngoài việc suốt ngày hô hào, chỉ tay năm ngón. Đó là THIẾU KHẢ NĂNG LÀM MẪU.

Rất nhiều lãnh đạo hiện nay lớn thiếu 1 trong 2 yếu tố trên, thậm chí, có người không chỉ vừa thiếu ý thức làm gương mà còn thiếu luôn khả năng làm mẫu. Lâu dần, sẽ khiến cho nhân viên mình đâm ra bất mãn, không phục với suy nghĩ “Ông nói thì hay mà không làm được”. Và nếu lãnh đạo không tự thừa nhận sai sót, khuyết điểm bản thân mà còn lý sự cùn rằng “Tao có quyền như thế vì tao là sếp còn mày là lính” thì hậu quả không nói ai cũng biết, khả năng mất người càng lớn hơn nữa, vì không ai lại đi phục vụ cho người không có khả năng lãnh đạo.

Làm người ta nghe mình đã khó, làm kẻ khác phục mình lại còn khó hơn. Đa số chúng ta thường chọn việc dễ làm trước việc khó làm sau nên thường lấy cái uy làm sếp ra để lấn áp nhân viên và bắt họ làm theo, mà không cần quan tâm họ có muốn hay không, thực sự có phục hay không.

Thế làm sao để phục?

Đó là khi cần thiết thì phải thể hiện cái vai trò lãnh đạo của mình, đó là làm gương và làm mẫu.

Anh muốn cho nhân viên bán hàng, thì anh phải xông ra bán trước.

Anh muốn nhân viên trung thành với doanh nghiệp, thì anh phải tận tâm với sự nghiệp của mình trước.

Và không phải cứ xông ra trước là đủ, mà khi anh làm mẫu, thì anh phải làm tốt hơn cả nhân viên của anh về cả mặt chuyên môn và hiệu quả mới được. Chứ không phải làm qua loa, làm chiếu lệ rồi bảo “Mấy chú cứ thế mà làm theo” thì dẫn đến đổ vỡ và sai toàn hệ thống từ trên xuống dưới là điều hiển nhiên.

Nên nhớ, sự nghiệp là của anh, công ty là của anh chứ không phải của nhân viên, anh không thể nào mong chờ sự đóng góp và hy sinh từ nhân viên mình khi anh không làm gì cả.

“Khiển nhân thì dễ, phục nhân mới khó”.
Nếu anh khiển được lính, anh là tướng giỏi, nhưng anh phục được lòng quân, anh là 1 nhà cầm quân vĩ đại.

Có thể bạn quan tâm

Rời Khỏi Bình Luận