Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024
English EN Korean KO Vietnamese VI

KHI NHÀ TUYỂN DỤNG “SỐNG TRÊN MÂY”

by Trainer Dang Tuan Tien

Tại sao tôi lại ghi cái tiêu đề là “Sống trên mây”, vì tôi suy nghĩ mãi mà vẫn chưa tìm thấy cái từ nào phù hợp hơn khi mô tả về thực trạng mà một số nhà tuyển dụng tự cho mình cao hơn ứng viên một bậc, nhìn ứng viên bằng nửa con mắt (tất nhiên tôi dùng từ “một số” chứ không quơ đũa cả nắm nhé, có rất rất nhiều anh chị nhân sự rất tốt mà vẫn chưa gặp được ứng viên có tâm).

Tôi sẽ nêu ra một số vấn đề về thực trạng “sống trên mây” cho mọi người cùng nhau thảo luận và suy ngẫm (mạn phép bữa nay tôi “chặt chém” các anh/chị/em HR một xíu, vì lâu nay anh/chị/em mình chặt chém ứng viên, các bạn trẻ và sinh viên cũng nhiều rồi).

🎯 Vấn đề đầu tiên: Từ CHUYỆN XƯNG HÔ đến ẢO TƯỞNG SỨC MẠNH

*** Từ chuyện xưng hô:
Có mấy lần tôi nhận được cuộc gọi từ những bạn nhân sự của các công ty khá lớn, và điều tôi khó chịu đó là ngay câu đầu tiên, các bạn ấy đã gọi tôi là em dù tôi lớn tuổi hơn, và tôi không hề nộp hồ sơ vào công ty đó (tức là họ đã xem qua hồ sơ của tôi ở đâu đó rồi mới gọi).

Và hình như nhiều bạn nhân sự cho rằng mình phải gọi ứng viên là em, tự cho mình cái quyền xưng hô là anh, là chị thì mình mới hơn được ứng viên, mới áp được ứng viên bởi vì mình đang gắn “mác” là… công ty lớn???

*** Rồi đến chuyện ảo tưởng sức mạnh:
Cũng không phải là chuyện hiếm. Có một công ty gọi tôi lên phỏng vấn. Sau vài câu chào hỏi, anh phỏng vấn viên hỏi “Em hãy trình bày và chứng minh cho anh những lý do để thuyết phục anh rằng công ty anh cần phải tuyển em đi!!!”, không quên dẫn chứng ra công ty anh lớn đến dường nào, văn hóa công ty anh chuyên nghiệp ra sao.

Nghe câu này xong, tôi cảm thấy có gì đó sai sai, vì tôi không hề nộp hồ sơ vào công ty này, mà là họ chủ động gọi cho tôi để hẹn trao đổi công việc. Câu hỏi này chỉ dành để hỏi những ứng viên chủ động nộp hồ sơ ứng tuyển thôi. Còn khi nhân sự chủ động xem hồ sơ của tôi và gọi tôi lên, tức là bản thân họ cũng có một phần nào đó câu trả lời cho câu hỏi của mình rồi.

>>> Bạn làm cho một công ty khổng lồ, không có nghĩa bạn là người khổng lồ. Công ty bạn nổi tiếng, không có nghĩa bạn cũng là người nổi tiếng.

Bạn có thể sẽ tự hào với background hay thương hiệu lớn của công ty bạn, nhưng đồng nghĩa chỉ cần một hành động không chuyên nghiệp của bạn thôi, thì cả công ty cũng sẽ bị ảnh hưởng và đánh giá là thiếu chuyên nghiệp.

Ví dụ về các trường hợp sử dụng ngôn từ, văn phong, chính tả, ngữ pháp trong email hẹn phỏng vấn chẳng hạn. Nhà tuyển dụng cứ đòi ứng viên phải “dạ thưa”, phải “kính gởi”, phải “trân trọng”, trong khi cái mail của chính mình thì sai tới sai lui, chính tả, Anh – Việt loạn xạ.

Tiếc thay, còn khá nhiều bạn nhân sự lại không hiểu điều này.

🎯 Vấn đề thứ hai: Nhập nhằng giữa các KHÁI NIỆM

*** Tôi lấy ví dụ về khái niệm chuyên viên và chuyên gia:

Thông thường thì cách cơ bản để phân biệt giữa các cấp nhân viên, chuyên viên và chuyên gia, đó là chúng ta dựa vào quá trình công tác, tuổi nghề, vị trí và những thành tích mà họ đạt được trong một lĩnh vực nhất định nào đó.

Với những ứng viên đã có kinh nghiệm gần chục năm trong một ngành nghề, lĩnh vực nào đó, có những thành tựu, vị trí nhất định trong ngành nghề đó thì họ là chuyên gia rồi.

Nếu chúng ta tuyển cho các vị trí chuyên viên hay nhân viên trở xuống, thì chúng ta có quyền mời họ “phỏng vấn” và đặt ra một vài câu hỏi phỏng vấn cơ bản thông thường.

Nhưng ngược lại, nếu bạn muốn tuyển những ứng viên là chuyên gia với lượng kinh nghiệm và trình độ cao (và chắc chắn thu nhập của họ cũng cao, tất nhiên), thì bạn chỉ có thể mời họ “trao đổi công việc” (có thể là ở một quán coffee nào đó) chứ không còn là “phỏng vấn trong phòng làm việc” nữa, vì họ sẽ có rất nhiều lựa chọn tốt chứ không riêng gì công ty của bạn (đây là sự thật).

Nhưng một thực trạng là nhiều doanh nghiệp bị mơ hồ khái niệm giữa nhân viên và chuyên viên, giữa chuyên viên và chuyên gia, dẫn đến rất nhiều vấn đề bi hài và hậu quả để lại, như việc đi gọi cho chuyên gia mà lại đòi… phỏng vấn họ trong khi trình độ, kinh nghiệm lẫn tuổi tác của họ lại cao hơn nhiều so với bạn phỏng vấn viên.

Rồi cũng chính từ việc đánh giá ứng viên lỏng lẻo từ sự nhập nhằng giữa khái niệm ban đầu, hay từ sự non nớt của phỏng vấn viên, mà dẫn đến việc doanh nghiệp tuyển ông chuyên viên vào rồi giao lượng công việc của một ông chuyên gia, hay mời ông chuyên gia về lại giao làm công việc và mức lương của một chuyên viên, dẫn đến “đường ai nấy đi”, hợp tác không bền vì 2 bên nhận ra những khúc mắc không hợp trong công việc.

*** Hoặc đơn cử như cái khái niệm “tuyển dụng” và “săn đầu người” cũng vậy.

Để “săn” được một ứng viên ở vị trí cao thường chua lắm, cần phải bỏ ra rất nhiều thời gian và công sức lẫn chi phí. Không phải tự nhiên thù lao để trả cho việc mang một chuyên gia cao cấp bạn săn về lại cao đâu, tiền nào của nấy mà. Vì để tiếp cận được họ và mời được họ về thì phải nắm rất rõ thông tin, quá trình công tác, trình độ, thành tích, thu nhập, v.v… thậm chí kể cả giờ giấc, thói quen của ông đó, bà đó để tiếp cận và mời về.

Có nhiều bạn cũng vỗ ngực khoe “Tui làm lĩnh vực săn đầu người” xong đi inbox cho ứng viên bảo gởi CV hoặc đăng tuyển trên MXH, xong ngồi rung đùi đợi ứng viên nộp hồ sơ. Cái đó là tuyển dụng chứ không phải săn, mà cứ làm màu mè lên làm gì không biết.

>>> Bài viết của tôi chỉ nêu ra một số quan điểm và cảm nhận cá nhân, có thể một số bạn sẽ không đồng quan điểm hoặc sẽ nhột, nhưng vẫn hy vọng mọi người đóng góp chia sẻ theo tinh thần tôn trọng và xây dựng nhé.

Có thể bạn quan tâm

Rời Khỏi Bình Luận