Tôi thấy nhiều bác theo xu hướng “chửi chung” của xã hội, tự cho mình là “người đi trước dày dạn kinh nghiệm”, tối ngày trách móc ứng viên (nhất là sinh viên vừa ra trường) đủ thứ, từ yếu kỹ năng, thiếu kinh nghiệm, v.v… các kiểu, thể hiện mình cũng ra chiều đồng cảm với nỗi đau chung của nghề tuyển dụng (mà thật ra số lần ngồi ghế tuyển dụng của một vài bác theo tôi biết trong 1 năm chắc chưa đếm quá 10 đầu ngón tay).
Rồi có bác bảo tôi tuyển giùm, được dăm bữa nửa tháng quay sang trách tôi ứng viên sao giờ… thực dụng quá, thiếu trung thành, v.v… các kiểu. Dạ, đúng rồi. Cuộc sống vốn công bằng, một bỏ công hai bỏ tiền.
Bác vừa muốn nó trung thành, vừa muốn nó giỏi theo kỳ vọng của bác thì bác phải bỏ công sức đào luyện tụi nó từ hồi lơ ngơ chưa biết gì (tức là thời sinh viên), rồi tận tình chỉ bảo tụi nó từng li từng tí.
Cái này giống như quy luật gà con vừa ra khỏi trứng, thấy sinh vật nào đầu tiên đều cho là mẹ. Mấy bác mở đường, khai sáng chỉ bảo tụi nó ngay từ hồi sinh viên thì may ra đến khi ra trường tụi nó mới cảm kích, mới ghi nhận, mới có tình cảm để mà bàn đến chữ trung thành.
Còn giờ, cứ đợi tới năm 4, thậm chí ứng viên đã ra trường, mới đi tuyển, mới lo đi đào tạo, bởi chê ứng viên năm 1, năm 2 và năm 3 lo đi học, ít thời gian, không có làm được nhiều thì xin lỗi cái chữ “Trung thành” nó mong manh lắm.
Giống khái niệm 2 con chó trong bài viết về nhân tài và hiền tài của một người anh trong lớp CEO mà tôi từng học chung, 1 con nuôi từ nhỏ và 1 con mua về vậy.
Cái con nuôi từ nhỏ, mình la nó, đánh nó, nó vẫn im nghe chửi. Còn cái con mua về khi nó đã lớn, thử đập nó xem, nó cắn cho mà thấy cảnh ghé viện Pasteur.
Cái đứa nhân viên mà các bác đào luyện từ hồi mới nứt mắt bập bẹ ra đời, mấy bác có chửi nó, nó cũng sẽ nghe, cũng sẽ ghi nhận để học, vì nó thấy nó nợ mấy bác 1 món nợ rất lớn, đó là nợ Ân tình. Và nợ Ân tình là món nợ khó trả nhất trong cuộc đời.
Còn cái đứa mà các bác dùng tiền câu về, hay “Hunt” về (tôi dùng tiếng Anh cho nó “theo kịp xu hướng thời đại” giống mấy bác), thì xin thưa nó ko trung thành nhiều như cái đứa kia. Lý do:
“Năng lực là thứ mua được bằng tiền, còn Tình cảm là thứ phải mua bằng thời gian và sự tâm huyết”.
câu này là câu mà tôi luôn nằm lòng khi đào luyện nhân sự của tôi, người của tôi.
Đào luyện nhân sự trẻ, cực không? Có chứ, cực thấy mụ nội luôn, cực gấp nhiều nhiều lần so với một nhân sự đã lành nghề và có ít nhiều kinh nghiệm. Nhưng tin đi, cái gì cũng có giá của nó. Nhiều bác hiểu và đồng cảm với tôi, khi dạy bảo thế hệ trẻ, chỉ cần quan niệm, tụi nó còn chịu học, còn chịu làm là mình còn chỉ dạy, chứ không đánh đồng chửi chung theo xu hướng đám đông.
Nhân sự trẻ của tôi bây giờ ra trường, đi làm, có gia đình, có con cái, cũng có chức vụ cao, thì thời gian cũng sẽ trả lời và nâng chất lượng quan hệ lên rất nhiều, không còn là quan hệ giữa một ông thầy và một vài đứa sinh viên ngu ngơ ngày nào nữa. Cái cây con theo thời gian rồi cũng sẽ thành cây đại thụ.
Nhiều bác được tôi giới thiệu nhân sự qua, tôi hiểu cảm giác mấy bác, sợ mất người.
Có bác hỏi thẳng tôi, lỡ… sau này mày đi, mày nghỉ, mày ko hỗ trợ tao nữa, thì lính mày bỏ đi theo mày, tao mất người thì sao?
Tôi bảo nếu sợ mất thì ngoài việc bỏ công bỏ sức đào tạo nó, thì còn phải dùng tình cảm để giữ nó nữa.
Còn không, nó đi theo người nó thích làm hơn, quay qua trách tôi, oan lắm. Mà thiệt tình chứ, bữa tính nhắn ổng nghĩ sao mà anh đi so sánh người với… chó, thì bữa nay mình đi so ứng viên với gà. Ây chà…