Cô bé Quàng Khăn Đỏ – một trong những câu chuyện quen thuộc với rất nhiều người thời thơ ấu, kể về một cô bé quàng chiếc khăn màu đỏ vì không nghe lời mẹ dặn nên cả cô và bà ngoại bị Sói ăn thịt, sau đó được bác thợ săn đi ngang qua cứu cả hai bà cháu. (Nguyên câu chuyện dài mà tôi rút lại được đúng 1 câu, công nhận tự tôi thấy mình cũng siêu thiệt ).
Ý nghĩa giáo dục mà người lớn muốn dạy trẻ em trong câu chuyện này, đó là bài học “Hãy luôn biết vâng lời mẹ”.
Tuy nhiên, ngày hôm nay, tôi muốn chia sẻ với các bạn một số điều thú vị khác từ câu chuyện.
Đầu tiên, hãy ôn lại một chút về câu chuyện này. Yên tâm, lần này tôi sẽ viết dài để diễn giải từng tình tiết một.
—————————–
Câu chuyện bắt đầu như sau:
Một ngày đẹp trời, mẹ của Khăn Đỏ gọi cô bé đến và nói rằng:
– Gái ơi, à nhầm, Khăn Đỏ ơi, bà ngoại của con bên kia khu rừng đang ốm. Con giúp mẹ mang giỏ bánh đến thăm bà nhé. Nhớ đi thẳng một mạch đến nhà bà, đừng la cà vào rừng, có rất nhiều chó Sói.
Khăn Đỏ hào hứng gật đầu lia lịa và cuốn gói xách giỏ bánh lên đường. Tuy nhiên, chắc vì lâu lắm lắm rồi mới được ra khỏi nhà, nên Khăn Đỏ đã quên mất lời mẹ dặn, tung ta tung tăng hái hoa bắt bướm, đi thẳng vào rừng để rồi gặp… anh Sói.
Bài học đầu tiên: Đứa nào hay có tật “hái hoa bắt bướm” thì thường gặp “Sói”. Giỡn thôi, nhưng tôi thích cách nghĩ của bạn.
Trong nhiệm vụ cao cả mang bánh đến cho bà, “nhân viên” Khăn Đỏ đã không làm đúng với yêu cầu và định hướng của cấp trên là mẹ của cô bé giao cho.
Trên thực tế, có rất nhiều nguyên nhân. Một trong những nguyên nhân đó chính là việc quên đi bước kiểm tra sự tập trung, nắm bắt của nhân viên khi nhận nhiệm vụ. Cứ thấy con Đỏ nó gật đầu lia lịa thì cứ đinh ninh là nó hiểu, nó nhớ (thật ra nó có hiểu quái đâu). Và vì cứ nghĩ rằng nhân viên đã nắm bắt được vấn đề, chúng ta bỏ qua việc theo sát, kiểm tra trong quá trình thực hiện. Dẫn đến việc, định hướng một đằng, thực thi một nẻo.
—————————–
Tiếp câu chuyện:
Khi gặp Khăn Đỏ, bạn Sói bèn hỏi bằng những lời đường mật như sau:
– Hello Gái, e đi đâu thế?
– Bà e đang bệnh, e đi mang bánh thăm bà. – Vừa nói vừa giơ giỏ bánh ra khoe.
– Bà cô bé ở đâu?
– Dạ, bên kia khu rừng ạ. A Sói cứ đi thẳng, thấy cái cột đèn giao thông màu đỏ quẹo phải, gặp ngã ba quẹo trái, rồi quẹo phải lần nữa, là thấy cái villa nhà bà e có cái ống khói màu trắng xinh xinh. Nhà không khóa nên anh khỏi bấm chuông, cứ đẩy cửa vô là được. (Chưa thấy đứa nào thành thật như con này)
– Ồ, trong rừng có rất nhiều hoa đẹp, e hãy đi hái hoa đi, chắc chắn bà sẽ rất thích. (Bệnh rên hừ hừ mà còn có tâm trạng ngắm hoa, bó tay con Sói)
Sau khi lừa được Khăn Đỏ đi hái hoa, Sói bèn đến ngay nhà bà. Mần thịt xong xuôi, Sói nằm trên giường đợi Khăn Đỏ đến.
Để đổi cách tiếp cận bài học, chúng ta sẽ có bài phỏng vấn ngắn với Sói và Khăn Đỏ như sau.
Phóng viên:
– Chào bạn Sói, trong đoạn trích trên, bạn thấy bản thân mình cần rút ra bài học gì?
Sói:
– Ờ, Sói thấy mình quá nhanh chóng vội vàng trong quyết định ăn thịt bà ngoại mà sống ngược lại với bản năng của mình. Lẽ ra mình phải ăn Khăn Đỏ trước, vì đồ ăn ngon trước mắt phải ăn trước, chứ thịt bà ngoại hơi dai, lại nhừ.
Nếu mình ăn Khăn Đỏ trước thì đã không có chuyện bị con Đỏ nó hành một mớ câu hỏi nhũn não khi nó đến thăm bà ở phần sau. – Vừa nói, Sói vừa rút khăn lau nước mắt, sụt sùi.
Phóng viên:
– Còn bạn thì sao, Khăn đỏ?
Khăn Đỏ:
– Dạ, cá nhân e thấy e quá tin người, chưa biết bảo mật thông tin và data khách hàng. Vừa gặp Sói lần đầu, chưa biết gì về Sói mà đã tuồn hết mọi thông tin, dữ liệu cho Sói. Dẫn đến hậu quả là bà ngoại của e bị mần thịt ạ.
Phóng viên:
– Cảm ơn sự hợp tác của hai bạn, mời hai bạn quay lại với câu chuyện.
Bài học rút ra:
Sói: Cơ hội ít hay nhiều không quan trọng, quan trọng là biết nắm bắt hay không. Cơ hội tốt nhất thì phải nắm bắt trước, dẹp bỏ đi tư tưởng “Điều tốt đẹp luôn chừa lại sau cùng”.
Khăn Đỏ: Không bao giờ cung cấp hết mọi thông tin cho đối phương trong lần đầu gặp mặt.
—————————–
Tiếp câu chuyện:
Khăn Đỏ sau khi hái hoa bắt bướm chán chê, mới nhớ ra là phải đến nhà bà giao bánh.
Đến nơi, thấy bà ngoại (tức là Sói) đang nằm trên giường, rên hừ hừ vì bệnh (chắc bệnh thật, vì ăn thực phẩm sắp hết hạn). Khăn Đỏ bay vào hỏi:
– Bà ơi! Sao hôm nay tai bà to thế?
Chó Sói vừa rên vừa đáp:
– Tai bà to để bà nghe cháu nói được rõ hơn
– Thế còn mắt bà, sao hôm nay mắt bà to thế?
– Mắt bà to để bà nhìn cháu được rõ hơn.
– Thế còn mồm bà, sao hôm nay mồm bà to thế?
– Mồm bà to để bà ăn thịt cháu dễ hơn.
Xong, Sói bay ra thịt luôn Khăn Đỏ rồi ngáy o o, và khi bác Thợ Săn đi ngang thì ai cũng biết cái kết thế nào, tôi không kể thêm.
Bài học ở đây là gì?
Nếu bạn là Sói, bạn có đợi con Đỏ đó nó hành nhũn não với mấy câu hỏi đó không? Hay bay ra cháp nó luôn vì nó hỏi quá nhiều, và bởi vì bạn là kẻ mạnh, bạn đang nắm luật chơi?
Trường hợp này, Sói đã quên mất điều đó và bị cuốn theo luật chơi (tức đoạn hội thoại) của Khăn Đỏ đặt ra. Và bị nó dây dưa hỏi một vòng đã đời rồi mới đến vấn đề chính là mần thịt.
Trong thực tế, nếu bạn biết được mình là kẻ mạnh hơn, mình là người kiểm soát cuộc chơi, thì hãy nhớ, đừng bao giờ lơ là hoặc chủ quan để bị cuốn theo kịch bản hay cuộc chơi của kẻ yếu hơn. Và RIP cho bạn Sói vì điều đó.
—————————–
Mỗi câu chuyện đều có nhiều bài học khác nhau, chúc các bạn cuối tuần nhiều niềm vui thú vị.