Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024
English EN Korean KO Vietnamese VI

CHUYỆN THẰNG CẬN ĐI BÀN VỀ LÃNH ĐẠO VÀ TẦM NHÌN

by Trainer Dang Tuan Tien

Có một số bạn trong quá trình khởi nghiệp đến hỏi tôi thế này: “Em đang lên kế hoạch cho 1 dự án kinh doanh sắp tới, mà chưa biết làm sao. Anh cho em vài ý tưởng được không? Vì em nghe nói là mấy anh/chị nào mà làm lãnh đạo thì thường nhìn xa trông rộng lắm.”

Tôi đáp luôn: “Xin lỗi chú, chú thấy cái gì trên mặt anh không?”

Mắt đối phương tròn xoe long lanh nhìn ngắm cái dung nhan mùa hạ của tôi trong 30 giây rồi đáp: “Kính cận ạ”.

“Ờ, đúng rồi!” – Tôi gật đầu đáp, “Tiếc là anh mày bị cận, nhìn xa không được, toàn nhìn gần thôi.”

Nói như thế, các bạn ấy cứ tưởng tôi đùa và giấu nghề, thật ra là tôi nói thật, thật 1 cách chân thành cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Nhưng nói ra chắc không ai tin, do đó, bữa nay tôi mạn phép viết 1 bài bàn về LÃNH ĐẠO và TẦM NHÌN theo quan điểm cá nhân, một thằng bị cận để tự minh oan vậy.

Có 1 khái niệm chúng ta thường nghe, đó là làm lãnh đạo hay làm sếp, thì thường cần phải có 1 tầm nhìn XA và RỘNG trên 10 ki-lô-mét, gió giật cấp 7, có lúc cấp 8 (chết, viết nhầm sang dự báo thời tiết). Tôi bảo đúng, nhưng chưa đủ.

Bởi vì trước khi tập NHÌN XA TRÔNG RỘNG, bạn phải tập NHÌN GẦN TRÔNG HẸP trước. Vì sao lại thế?

Có nhiều lý do, lý do đầu tiên là nhìn gần thì đỡ mỏi mắt, lại nhìn rõ hơn nhìn xa (nhất là với mấy thằng cận như tôi), ai đồng quan điểm giơ tay.

Ấy là chưa kể khi nhìn gần, có khi bạn còn phát hiện ra kha khá mấy thứ hay ho mà trước giờ bạn không để ý. Vậy, nhìn gần trông hẹp, bạn nhìn gì?

*** ĐIỀU ĐẦU TIÊN BẠN NHÌN, LÀ CHÍNH BẢN THÂN BẠN:

Có 1 câu chuyện thế này:

“Một anh bạn trẻ rất muốn trở thành một người thành công. Do đó, anh làm việc rất cần mẫn và chăm chỉ ngày này qua ngày nọ. Nhưng thời gian trôi qua, mà anh vẫn chưa đạt được những gì anh mong muốn.

Quá thất vọng, anh liền tìm gặp người sếp của mình và hỏi:
– Tại sao con đã làm việc gắng sức như vậy, chăm chỉ như vậy mà vẫn chưa thành công? Xin chú hãy cho con biết, con còn thiếu điều gì?

Người sếp già nhìn anh giây lát rồi mỉm cười, chậm rãi trả lời:
– Con trai, ta làm sao biết con còn thiếu những gì. Tại sao con không hỏi chính mình rằng con đang có những gì?”

Đấy, cái nhìn đầu tiên của việc tập nhìn gần là như thế. Bạn phải nhìn xem, bạn có năng lực gì, khả năng gì, ưu điểm khuyết điểm gì. Hay nói cách khác, bạn phải tự hỏi mình xem bạn là ai cái đã.

*** ĐIỀU THỨ HAI BẠN NHÌN, LÀ LIA MẮT XUNG QUANH:

Rồi, tiếp theo, nếu bạn là lãnh đạo, bạn thử lia mắt 1 vòng quanh bạn xem (gần thôi nghe), coi xung quanh bạn có bao nhiêu nhân sự và nguồn lực?

Ai là người tài, ai là người giỏi, và ai là người mang lại cho bạn những nguồn lực khác như tài chính, quan hệ, kinh nghiệm, v.v… Trong số đó bao nhiêu người có thể hợp tác được trong quá trình bạn xây dựng doanh nghiệp và đạt được mục tiêu mà bạn muốn.

Cái này khi đánh trận, người ta gọi là tìm đồng minh và kiếm “đồ chơi” trang bị để tăng thêm khả năng sống sót khi ra chiến trường – thương trường là chiến trường cơ mà.

*** Rồi, sau mấy cái đó rồi thì cái nhìn tiếp theo nữa mới nói đến chiến lược. Đó là với chừng đó nhân sự, chừng đó nguồn lực từ chính bản thân bạn và từ những yếu tố bên ngoài, thì bước tiếp theo gần nhất mà bạn có thể làm là gì?

Đa số chúng ta khi bắt đầu khởi nghiệp thường chưa có gì, nhất là mấy bạn trẻ trẻ, chưa biết trong tay mình đang nắm bao nhiêu quân, giữ bao nhiêu tiền, có bao nhiêu kinh nghiệm mà đã vội đem 2 chữ “Chiến lược” ra bàn luận và phán như đúng rồi.

Tới hồi bàn cho đã, phán cho đã rồi ra làm không được, rút quân gần hết, chết liểng xiểng. Nên tôi hay chọc, làm chiến lược kiểu đó, là liều mạng đi “Chiến” xong rồi khó quá nên “Lược” bỏ hết không còn gì (người mất, tiền tan, nhà cửa tồi tàn, tan hoang gia sản).

Tóm lại là, sau khi bạn nhìn được 3 cái nhìn gần và hẹp đó rồi, thì mới nên cho phép mình nhìn xa trông rộng.

*** Còn nhìn xa chưa được, thì thà làm một thằng cận như tôi còn hơn, tập nhìn gần trước, từng bước từng bước cái đã. Cũng như khi bạn chạy trên đường, cứ lo cắm đầu cắm cổ nhìn cho xa, mà không để ý cái ổ gà gần ngay trước mắt thì có ngày té lộn cổ như chơi.

>>> Và nếu một ngày bạn nào gặp tôi, hỏi tôi về một vấn đề nào đó, mà thấy tôi nheo nheo mắt ra chiều đăm chiêu suy nghĩ, thì thật ra lúc đấy, tôi chả nghĩ được cái gì đâu. Chẳng qua là tôi nhìn không rõ nên phải nheo mắt thế thôi.

Có thể bạn quan tâm

Rời Khỏi Bình Luận