Thứ Năm, Tháng Tư 25, 2024
English EN Korean KO Vietnamese VI

CHUYỆN MỘT THẰNG CÀ LĂM TRỞ THÀNH DIỄN GIẢ

by Trainer Dang Tuan Tien

Nhiều năm làm đào tạo, có nhiều bạn nói với tôi thế này:
– Làm diễn giả như anh thích thật, nói vài tiếng là có tiền, chả bù em đi làm gia sư, cả tháng dạy quá trời trời mà không bằng một buổi anh chia sẻ.
– Anh làm diễn giả nhờ anh có khiếu ăn nói, còn em nói chuyện giao tiếp kém thì sao em làm được, v.v…

Thế tôi mới hỏi tụi em hiểu thế nào là diễn giả thì có rất nhiều ý kiến đưa ra, nhưng đại đa số các bạn vẫn chưa hiểu hết, chưa hiểu đúng về nghề diễn giả.

Các bạn chỉ thấy được cái hào nhoáng bên ngoài của nghề này khi thấy diễn giả là người được khoác lên bộ vest lịch lãm, được đứng trên sân khấu và được hàng chục, hàng trăm con người lắng nghe mình nói mà thôi.

🤔🤔🤔 Vậy thì, DIỄN GIẢ – HỌ LÀ AI?

Diễn giả là những người sở hữu một lượng kiến thức phong phú, am hiểu sâu sắc về 1 lĩnh vực hay 1 chủ đề nào đó mà mình đang chia sẻ. Ngoài việc phải chịu khó tìm tòi, đọc sách, tài liệu hoặc đi học hỏi từ những người đi trước, thì họ còn cần có 1 quá trình trải nghiệm lâu dài và có những thành tựu nhất định theo thời gian.

Nếu bạn nào vẫn còn cho rằng miễn là chỉ cần có khiếu, nói tốt, giảng hay, mỏ nhọn giống tôi là có thể trở thành diễn giả thì đó là một điều hoàn toàn sai lầm. Vì dù bạn nói hay mà bạn không có bất cứ sự trải nghiệm hay thành tựu nào, thì rất khó để khiến người khác lắng nghe bạn nói, vì lời bạn nói ra cũng chỉ là lý thuyết và không có giá trị.

Khi bạn chia sẻ lý thuyết sáo rỗng, thì có thể ban đầu bạn sẽ thành công, được phong “thánh” với tài “chém gió” của mình. Nhưng tin tôi đi, “thánh” thì không ở trần gian lâu. Thường dăm bữa nữa tháng, bị bóc phốt là thăng thiên lên trển ở ngay.

🤔🤔🤔 VAI TRÒ CỦA DIỄN GIẢ LÀ GÌ?

Rõ ràng giữa việc đọc một cuốn sách và việc nghe chia sẻ lại, thì người ta thích được nghe hơn, được nhìn tận mắt hơn là phải đọc (tâm lý chung, ai mà chả lười).
Diễn giả là người không chỉ truyền tải lại nội dung, kiến thức cho bạn, mà trong quá trình diễn đạt, họ còn tiếp thêm cho bạn sự đam mê, hưng phấn và động lực qua từng lời, từng câu, từng chữ. Họ tác động vào tâm lý của bạn khiến bạn có những sự thay đổi tích cực sau khi được nghe chia sẻ.

Nói cách khác, họ là những “phù thuỷ thôi miên, tác động vào tâm lý” với những phong cách diễn đạt cực kỳ thu hút và thuyết phục không chỉ một người mà cả hàng trăm, hàng ngàn người trong hội trường chỉ bằng 1 vài cử chỉ, hành động hoặc lời nói. Họ biến những mớ lý thuyết khô khan thành sự hưng phấn và thú vị.

Đơn cử như khi tôi đi chia sẻ về viết CV – Phỏng vấn ứng tuyển, thì giữa việc bắt bạn phải mày mò lên mạng, tìm tài liệu để học cách viết 1 bản CV ra sao, đi tìm việc, ứng tuyển và phỏng vấn thế nào, thì chắc chắn trong 100 bạn cũng chỉ lèo tèo vài bạn siêng năng mà tự đi tìm tài liệu.

Nhờ diễn giả, họ đưa cho bạn những ví dụ thực tiễn, những phương pháp trực quan mà từ đó, bạn có thể nắm bắt vấn đề một cách nhạy bén hơn, ít tốn thời gian mà lại hiệu quả hơn rất nhiều.

🤔🤔🤔 LÀM CÁCH NÀO ĐỂ TRỞ THÀNH DIỄN GIẢ?

Để trở thành diễn giả, bạn sẽ cần rất nhiều điều yếu tố.

✅✅✅ Yếu tố đầu tiên: Bạn cần tập thói quen ĐỌC SÁCH và HỌC HỎI mọi nơi mọi lúc.

Tôi thích thói quen của những người nước ngoài, họ đọc sách trong lúc chờ xe buýt hay đợi ở sân bay, thậm chí cả khi đang nhâm nhi 1 tách cà phê nho nhỏ. (Trong khi đa số thói quen của chúng ta là dán mắt vào smartphone. Mà tôi dám chắc là hiện nay ý thức đọc sách của các bạn trẻ còn khá hạn chế).

Bạn không cần đọc nhiều, mỗi buổi tối hãy dành thời gian đọc 1-2 chương sách là đủ. Cho dù mỗi tuần bạn chỉ có thể đọc được 1 cuốn sách thì 1 năm bạn đã đọc được gần 50 cuốn sách rồi.

Còn về việc dung nạp kiến thức mọi lúc, tức là bạn hãy tập cho mình cái nhìn cầu thị, học hỏi mọi nơi, mọi lúc, mọi người. Thậm chí, nếu bạn quan sát một đứa trẻ, bạn cũng sẽ nhận ra đứa trẻ ấy có rất nhiều điều hay ho mà bạn cần học hỏi. Huống chi, thời đại hiện nay, nếu một ngày bạn không dung nạp kiến thức, là bạn đã tuột hậu rồi.

Tôi đi chia sẻ cho sinh viên cũng thế, tôi cũng phải tập xem những bộ phim mà các bạn trẻ đang xem, hay tìm hiểu những ngôn từ mà các bạn thường hay sử dụng, nào là “chuẩn cmnr”, “crush là gì?” hay khái niệm “thả thính” các kiểu, đại loại thế. 😂😂😂 Tức là có học hỏi, chọn lọc và làm mới mình mỗi ngày để gần gũi với đối tượng người nghe (ở đây là bạn trẻ).

✅✅✅ Yếu tố thứ hai: TRẢI NGHIỆM.

Hãy mở rộng quan hệ với những người đang làm trong lĩnh vực mà bạn quan tâm, chia sẻ và tìm mọi cơ hội tốt nhất mà bạn có thể có, để được thực hành những điều mà bạn đã được học. Kiến thức chỉ có giá trị khi bạn áp dụng được, xài được chúng trong thực tiễn.

Nếu ngày xưa tôi không viết trên vài chục bộ hồ sơ và đi qua hơn một chục công ty khác nhau, có lẽ tôi sẽ không bao giờ trở thành chuyên gia đào tạo về kỹ năng viết CV – Phỏng vấn ứng tuyển tìm việc.

✅✅✅ Yếu tố thứ ba: Tập luyện, tập luyện, và tập luyện. Rèn giũa KỸ NĂNG DIỄN THUYẾT thường xuyên. 😄😄😄

Hãy tập luyện một cách nghiêm túc, không chỉ một lần mà là hàng trăm, hàng ngàn lần mỗi khi có cơ hội. Tôi thường tự lẩm nhẩm những bài diễn thuyết của mình mỗi khi đang lái xe trên đường, đó cũng là 1 phương pháp tốt.

Bản thân tôi, vốn nói lắp, tôi cũng phải bỏ rất nhiều thời gian tập luyện nói từng câu ngắn đến khi có thể nói một câu dài hoàn chỉnh.

Lý Tiểu Long có 1 câu nói rất nổi tiếng: “Tôi không sợ những người từng tập 10.000 cú đá qua một lần, tôi sợ những người đã tập một cú đá 10.000 lần.”

Tập luyện, tập luyện và tập luyện. Đừng tham quá nhiều chủ đề, hãy chọn 1 lĩnh vực nào mà bạn hứng thú nhất và nói về nó mỗi ngày.

Nếu bạn chưa có nhiều cơ hội trải nghiệm, không sao, bạn vẫn có thể chia sẻ lại những kiến thức bạn đã học, những điều mà bạn đã thấy cho mọi người, miễn là, bạn đam mê điều đó.

Cách học tốt nhất là chia sẻ kiến thức của mình cho người khác. Đừng cho rằng, phải ngồi trong một hội trường hàng chục, hàng trăm người và đứng trên sân khấu mới là diễn thuyết. Thật ra bạn chỉ cần 1-2 người ngồi lắng nghe bạn nói là được rồi (miễn sao họ không ngủ gục khi bạn đang thao thao bất tuyệt).

✅✅✅ Yếu tố thứ tư, đó là nghiêm túc trong việc xây dựng THƯƠNG HIỆU CÁ NHÂN từng ngày.

Ngoài kiến thức và khả năng diễn thuyết thì giá trị lớn nhất của một diễn giả, đó chính là thương hiệu cá nhân. Thương hiệu cá nhân được xây dựng dựa trên sự nỗ lực của bạn theo thời gian chứ không phải dựng lên một sớm một chiều, đừng mong chỉ một đêm ngủ dậy là bạn sẽ trở thành người nổi tiếng.

Cái gì càng dễ lên thì càng mau xuống (hiểu theo nghĩa đen hay nghĩa bóng thì tùy, tôi thích cách suy nghĩ của các bạn) :v :v :v

Và thương hiệu cá nhân càng lớn, thù lao của bạn sẽ càng cao (tin tôi đi, ~^^).

✅✅✅ Yếu tố thứ năm, đó là HOÀN THIỆN BẢN THÂN từng ngày.

Không chỉ mỗi kỹ năng diễn thuyết, mà diễn giả phải là người có óc quan sát nhạy bén, có tác phong chuyên nghiệp và nhiều điều khác nữa, để xây dựng nên một hình ảnh đáng tin cậy trong mắt mọi người.

Điều đó thể hiện qua từng cái rất rất nhỏ trong cuộc sống hàng ngày của bạn. Ví dụ, bạn có thói quen than thở hay viết về những điều tiêu cực trên facebook, thì liệu người khác có tin tưởng khi nhờ bạn chia sẻ về những giá trị sống tốt đẹp cho họ?

✅✅✅ Yếu tố cuối cùng, đó là TỰ TIN VÀO CHÍNH MÌNH và NỖ LỰC KHÔNG NGỪNG

Bạn nghĩ sao nếu một thằng cà lăm, nói lắp lại có thể trở thành diễn giả? Nói ra thì bao nhiêu người tin vào điều phi lý đó? Nghe buồn cười nhỉ. Nhưng hãy tin đi, bản thân tôi là minh chứng cho điều đó, một thằng cà lăm, trở thành diễn giả, lên báo hay tivi đã trở thành một chuyện thông thường.

Vậy thì việc một người ăn nói bình thường, lưu loát như bạn trở thành diễn giả sẽ dễ dàng hơn tôi rất nhiều.

***
Bài viết này khá dài, tôi nghĩ thế. Nhưng có rất nhiều bạn hỏi tôi về điều này, về việc dấn thân theo ngành diễn thuyết thì cần phải chuẩn bị những gì. Nên tôi tin khi bạn đọc đến dòng này, tức là bạn rất quan tâm với những gì mà tôi chia sẻ.

Có thể bạn quan tâm

Rời Khỏi Bình Luận