Doanh nhân Đặng Tuấn Tiến: "Tạo động lực đúng, bắt đầu từ sự quan tâm"

07/12/2023 08:00 AM | Kinh doanh

"Không phải lương cao mới giữ được người tài, không phải cứ khen thưởng bằng tiền thì mới làm nhân viên hạnh phúc."

Theo khảo sát của Anphabe, 60% các bạn trẻ thuộc Gen Z đã nhảy việc trong năm đầu tiên đi làm. Một số quản lý nhân sự trong các doanh nghiệp cũng cho rằng: Những ứng viên thuộc thế hệ Gen Z là những ứng viên đang có tỷ lệ "nhảy việc" cao nhất và gần như là một vấn đề đáng lo ngại đối với các nhà tuyển dụng.

Câu hỏi đặt ra: Có phải trong quá trình làm việc, nhân sự Gen Z không nhận được sự quan tâm và tạo động lực từ cấp quản lý nên dẫn đến tình trạng chán nản và mong muốn thay đổi môi trường tốt hơn?

Doanh nhân Đặng Tuấn Tiến - Giám đốc Điều hành Vietnam Startup Coaching với nhiều năm kinh nghiệm tư vấn đào tạo doanh nghiệp chia sẻ: "Ngoài việc không nhận được sự quan tâm và tạo động lực từ cấp quản lý, còn có nhiều nguyên nhân khác, ví dụ như môi trường không phù hợp, thu nhập không thỏa đáng, sự công nhận về năng lực chưa công bằng 

Các doanh nghiệp khi làm việc cùng Gen Z, cần phải trẻ hóa để làm sao cung cấp cho nhân viên của mình một môi trường làm việc linh hoạt và đa dạng, bên cạnh các cơ hội phát triển tương xứng với năng lực nhân viên."

Ngoài ra, không thể đánh đồng nguyên nhân các bạn trẻ Gen Z nhảy việc là vì thiếu đi sự công nhận, quan tâm và tạo động lực từ cấp quản lý. Bởi vì rõ ràng là, thế hệ nào cũng đều cần sự truyền cảm hứng và khích lệ từ cấp trên của mình khi đi làm. Các cấp quản lý, lãnh đạo cũng cần sáng tạo hơn trong việc khích lệ và kích thích tinh thần nhân viên thay cho hình thức cứng nhắc và đơn điệu. Điều này giúp cải thiện hiệu suất làm việc và tăng cường sự hài lòng của nhân viên. – Anh Tiến nhấn mạnh.

"Bản chất của quản lý là phục vụ và phụng sự con người"

Chia sẻ về quan điểm "Một lãnh đạo giỏi là người biết giữ người tài", anh Tiến nhận định: "Nhiều anh/chị quản lý cho rằng, giữ người tức là làm mọi cách để họ ở lại tổ chức và làm việc với mình càng lâu càng tốt. Thật ra không phải thế."

Anh phân tích rằng, nếu một người đã hết động lực, hết cảm hứng và muốn rời khỏi doanh nghiệp thì chúng ta tìm mọi cách để giữ họ lại chỉ tạo ra mệt mỏi từ 2 phía.

Là một nhà quản lý, chúng ta cần hiểu sâu hơn, giữ người ở đây là giữ cho nhau một sự tôn trọng nhất định và một cảm xúc tốt đẹp lẫn lòng biết ơn khi nhắc về nhau. Nên việc chấp nhận cho nhân viên rời đi để họ đến một môi trường mới phát triển tốt hơn, thì đó mới là đỉnh cao của sự "giữ người".

Doanh nhân Đặng Tuấn Tiến: Tạo động lực đúng, bắt đầu từ sự quan tâm - Ảnh 1.

"Tôi từng cho những nhân sự giỏi của mình ra đi và vẫn có thể kêu gọi họ quay về đồng hành cùng tôi trong các dự án phù hợp, và chúng tôi vẫn rất vui vẻ, tôn trọng nhau." - Anh Tiến chia sẻ.

Khi được hỏi về bí quyết "giữ người tài" của mình, doanh nhân Đặng Tuấn Tiến đã đề xuất các nhà quản lý nên tạo thói quen hỏi thăm chính những người đang làm việc cùng mình, xem có điều gì có thể khiến họ hài lòng và làm việc tốt hơn không. Điều này vừa giúp cho nhân viên cảm nhận được sự quan tâm của cấp trên, vừa thể hiện được rằng nhà quản lý luôn luôn lắng nghe để tạo ra môi trường làm việc tốt.

"Bản chất quản lý là công việc phục vụ và phụng sự con người " - Anh Tiến nhận xét.

Khích lệ nhân sự sao cho nhạy bén, tinh tế và sáng tạo

Anh Đặng Tuấn Tiến cho rằng người quản lý cần có sự tinh tế, nhạy bén và thậm chí là có sự sáng tạo để có những hành động khích lệ kịp thời, giữ lửa nhân viên, chứ không nhất thiết phải đề cao vấn đề tiền bạc.

Anh đưa ra ví dụ: "Bạn có thể thưởng cho nhân viên mình một cặp vé xem phim hoặc thêm 1 ngày nghỉ phép, để cảm ơn họ vừa chiến hết mình cho 1 dự án quan trọng của công ty. Đó cũng là một cách khích lệ mà không cần quá nhiều tiền."

Doanh nhân Đặng Tuấn Tiến: Tạo động lực đúng, bắt đầu từ sự quan tâm - Ảnh 2.

Anh Tiến còn chia sẻ thêm: Mỗi người trong mỗi thời điểm khác nhau sẽ có những ưu tiên khác nhau. Ai cũng đi làm để kiếm tiền, nhưng thứ tự ưu tiên về tiền đối với mỗi người mỗi khác. Nó phụ thuộc vào hoàn cảnh gia đình, điều kiện tài chính, thậm chí là tuổi tác,...

"Một chú bảo vệ lớn tuổi, ngoài nhu cầu về thu nhập, họ còn cần sự ổn định, an toàn, sức khỏe. Hay một bạn nhân viên nữ đã lập gia đình, sẽ có nhu cầu khác với những bạn nhân viên nữ đang độc thân. Họ sẽ ưu tiên những công việc ít phải di chuyển và có thêm nhiều thời gian chăm lo cho gia đình và con cái." 

Vậy thì, khi chúng ta làm quản lý, chúng ta cần thấu hiểu và nghe ra được nhu cầu của mỗi nhân viên của chúng ta để từ đó có những hình thức tạo động lực phù hợp với mỗi người.

Ánh Dương

Cùng chuyên mục
XEM